#Hướng dẫn sử dụng WordPress từ A-Z
Với bài hướng dẫn sử dụng WordPress từ A-Z của phongmy.vn sẽ giúp bạn hàng hiểu rõ hơn về giao diện & chức năng có sẳn của WordPress, giúp bạn nhanh chóng làm quen, quản trị thuần thục và dễ dàng tạo được cho chính mình 1 website WordPress Chuẩn SEO
Lưu ý: Khách hàng sử dụng dịch vụ thiết kế website tại Phong Mỹ Design chỉ nên tham khảo để biết rõ hơn các chức năng của website, Tất cả các thiết lập chung như cài đặt chung, widget,… đã được Team thiết kế điều chỉnh sẳn, và 1 số phần không cần thiết cho người sử dụng sẽ được ẩn/khóa, giúp khách hàng hạn chế tối đa khả năng phát sinh lỗi không mong muốn trên website.
Sơ lược về WordPress
WordPress là một CMS mã nguồn mở, bất kì ai cũng có thể sử dụng và tùy chỉnh WordPress theo nhu cầu sử dụng riêng của mình. Đặt biệt là WordPress còn hoàn toàn miễn phí và hỗ trợ tất cả các nền tảng Hosting từ Linux tới windows. Chỉ cần hosting có hỗ trợ chạy PHP 7.1 và MySQL 5.x hoặc MariaDB phiên bản bất kỳ là được ,tốt nhất nên sử dụng SSD Hosting để website có tốc độ truy cập tốt nhất. Bên cạnh đó, WordPress có cả triệu triệu plugin/theme miễn phí, giúp bạn có thể làm được mọi chức năng mình mong muốn cho website
Bài Hướng dẫn sử dụng WordPress từ A-Z này sẽ sử dụng phiên bản WordPress 5.7.2 (phiên bản mới nhất tính đến 24/6/2021) và được sử dụng hosting/VPS riêng để cài đặt.
Xem thêm: hướng dẫn cài đặt WordPress lên hosting Cpanel
Hướng dẫn sử dụng WordPress – Cài đặt CMS
Một trong những lý do tại sao WordPress rất phổ biến là do dễ sử dụng, nhiều plugins hỗ trợ, cộng đồng phát triển rộng khắp trên toàn thế giới.
Sau khi đã tiến hành cài đặt WordPress xong, tiến hành đăng nhập vào trang quản trị với tên đăng nhập và mật khẩu đã tạo trước đó.
Link đăng nhập mặc định: tendomaincuaban.com/wp-admin
Dashboard quản trị website WordPress được chia ra làm 3 vùng chính.
- Khu vực 01: Gồm thanh công cụ thao tác nhanh
- Khu vực 02: Các menu quản lý chi tiết
- Khu vực 03: Khung hiển thị các loại thông tin, nội dung, sản phẩm, tình trạng website…
Trong khuôn khổ bài viết Hướng dẫn sử dụng WordPress từ A-Z này Phong Mỹ sẽ hướng dẫn chi tiết nhất về cách thức sử dụng các chức năng hiện có trên thanh menu quản lý của WordPress – mục số 02
Hãy chú ý đến thanh menu bên trái của website sẽ có giao diện mặc định như ảnh bên dưới.
Dashboard: Bảng điều khiển chung
Dashboard này là tập hợp một số công cụ hỗ trợ theo dõi và thống kê cho website. Hiển thị các thông tin cập nhật các phiên bản của Core WordPress, giao diện (thêms) và các Plugins,
Home/Trang chủ
Là khu vực theo dõi các hoạt động chung của WordPress, báo cáo về các thông số như bài viết, bình luận, thông tin sản phẩm
Update/Cập nhật
Nơi để bạn có thể cập nhật những phiên bản mới nhất của WordPress,Themes hoặc plugins đang được sử dụng. Hệ thống sẽ hiển thị nếu có thông báo cập nhật.
Posts/Bài biết
Đây có là mục quan trọng nhất, nó là nơi để bạn soạn thảo và đăng tải/chỉnh sửa bài viết trên website
Tại giao diện trang quản trị bạn chọn mục Posts hoặc bài viết nếu giao diện đang sử dụng là tiếng việt
All post/Tất cả bài viết: Hiển thị danh sách tất cả các bài viết có trong hệ thống.
Add new/Viết bài viết: Thêm 1 bài viết mới.
1. Nơi thêm tiêu đề bài viết.
2. Nơi viết nội dung cho bài, có thêm ảnh vào bài bằng cách ấn vào button phía trên “Thêm media”.
3. Định dạng/Format: mặc định chọn Chuẩn, bài viết nào chuyên về video thì nên chọn là Video.
4. Chuyên mục/Categories: danh mục bài viết, và bạn có thể tạo nhanh danh mục bằng cách bấm “Thêm chuyên mục”
5. Tag/thẻ: Thêm các tags, thẻ cho bài viết.
6. Ảnh đại diện/Featured image: Nơi thay đổi ảnh đại diện. Bạn có thể ấn vào ảnh có sẳn hoặc chữ “Đặt ảnh đại diện” để chọn ảnh đại diện cho bài viết này.
Danh mục bài viết
Danh mục bài viết là nơi để phân loại bài viết, giúp người dùng dễ dàng tìm được bài viết hơn.
Name/Tên: Tên của danh mục
Slug/đường dẫn: đường dẫn của danh mục, bạn nên để trống. Mặc định thì WordPress sẽ tự động lấy tên danh mục để tạo đường dẫn rồi. Vì vậy bạn không cần quan tâm đến nó.
Parent category/chuyên mục hiện tại: Thư mục cha, nếu để None thì có nghĩa rằng nó sẽ không nằm trong bất cứ danh mục nào cả, chọn trong mục lục xổ xuống danh mục cha nếu bạn muốn quản lý nó theo cách phân cấp.
Description/mô tả: Mô tả, cần thiết trong quá trình SEO.
Add new category/Thêm chuyên mục: để tạo danh mục. sau khi nhấn, danh mục sẽ xuất hiện bên cột bên phải.
Sau khi nhấn Add New Category, danh mục mới được tạo sẽ hiển thị ở góc bên phải, rê chuột vào tên danh mục để chọn chức năng sửa đổi hoặc xóa nếu cần thiết
Tags/Thẻ
Tag hay còn gọi là thẻ từ khóa, thẻ này giúp bạn phân loại bài viết theo hướng cụ thể hóa. Tương tự như danh mục, bạn cũng nhập các thông tin như hình bên dưới.
Media: Khu Quản lý hình ảnh, video
Các tập tin hình ảnh hoặc video, pdf tải lên trong lúc soạn nội dung đều được quản lý tại menu Media/Thư viện → Library/thư viện trong Dashboard.
Tại đây, bạn có thể xem tất cả các hình ảnh và tập tin đã tải lên, có thể thêm mới hình ảnh từ máy tính vào thư viện bằng cách kéo thả ảnh vào khu vực các hình ảnh đang hiển thị, hoặc chọn button tải lên
Quản lý trang / pages
Là các trang tĩnh riêng biệt và tương tự như chức năng của bài viết, không có danh mục và tag. Phù hợp để tạo các trang như: giới thiệu, liên hệ, chính sách chung,…
All pages/tất cả các trang: Hiển thị tất cả các trang trong hệ thống website WordPress
Add new page/thêm trang mới: Thêm trang mới
Tại Trang các tính năng cũng tương tự như bài viết. Nhưng Trang không sử dụng cấu trúc chuyên mục (categories) và thẻ mà thay vào đó sử dụng cấu trúc cha và con (Parent Page) và thứ tự sắp xếp (order) để sắp xếp vị trí trên các trang.
Phản hồi/Comment
Đây là khu vực để bạn quản lý, chỉnh sửa, xóa các bình luận trên website. Chọn menu phản hồi để xem danh sách các phản hồi từ khách hàng.
Quản lý giao diện/ Appearance
Giao diện /Themes
Nơi hiển thị danh sách các giao diện, nếu bạn là người sử dụng từ một đơn vị thiết kế khác thì có thể bỏ qua phần này. Nếu bạn là cá nhân tự muốn thay đổi giao diện thì tiến hành chọn thêm mới giao diện và chọn 1 giao diện miễn phí phù hợp và tiến hành cài đặt.
Widget
Widget là một tính năng hữu ích nhất của website WordPress, là một tập hợp các chức năng có sẳn hoặc cài đặt thêm bởi các plugins. Mỗi widget sẽ tương ứng với một chức năng để chúng ta chèn nó vào sidebar (thanh bên) của giao diện (Liên quan đến giao diện website đang sử dụng)
Các Widget sẵn có / Available Widgets: Các loại widget mà WordPress hoặc themes đang sử dụng cung cấp sẳn.
Widget không sử dụng / Inactive Widgets: Nếu bạn có 1 số widget nào đó đang sử dụng, nhưng vì lý do nào đó mà bạn tạm thời không dùng nữa thì bạn nên đưa widget vào khu vực này, WordPress sẽ giữ lại các thiết lập đã có, khi cần sử dụng lại chỉ cần kéo widget này đến vị trí mong muốn.
Cách làm này tiện lợi và tiết kiệm thời gian vì không cần phải nhập lại thông tin nữa. Ví dụ như widget bài viết mới: bạn đã tạo sẳn tiêu đề, chọn danh mục, số bài cần hiển thị, loại trừ 1 số bài không được hiển thị xong xuôi, thì khi sử dụng chức năng kéo qua inactive widgets và kéo ngược trở lại thì không cần phải làm gì nữa mà widget vẫn có sẳn thông tin như cũ.
Đưa widget vào website
- Chọn widget location cần hiển thị: Blog sidebar, left sidebar, right sidebar
- Vị trí: 1,2 hoặc 3.. trong danh sách các widgets.
Sau đó tiến hành kéo thả widget vào widget location cần (click & giữ chuột trái và kéo vào).
nếu việc kéo thả là không quen, có thể dùng cách khác là ấn vào widget bạn muốn rồi chọn vị trí, như ảnh là chọn Blog Sidebar
Cuối cùng nhấn vào Add Widget.
Điểu chỉnh vị trí lên xuống trong Widget location, tiến hành nhấn giữ và rê chuột lên xuống để hoán đổi vị trí
Menus
Menu là thanh trình đơn hiển thị các liên kết trên giao diện, tùy vào từng giao diện mà bạn sẽ có bao nhiêu menu, vị trí hiển thị ở trên trái phải,hay ở trên, dưới chứ không phải muốn hiện menu ở đâu cũng được. Có thể tạo ra nhiều menu nhưng mỗi vị trí trên giao diện website chỉ được sử dụng 1 menu
Ví dụ cụ thể như sau:
- Phía trên slider / cũng là menu chính của website: sử dụng menu – Main menu
- Bên phải website: sử dụng menu – Menu right widget, …
Để vào quản lý Menu, ta truy cập vào Giao diện/Appearance → Menus trong Dashboard, mặc định sẽ chưa có menu, để tạo mới tiến hành nhập tên menu cần tạo và nhấp Tạo trình đơn/create Menu
Sau đó, bạn nhìn cột bên tay trái, đây là các thành phần có thể thêm vào menu như posts/bài viết, categories/danh mục, custom link/link tùy chỉnh , pages/trang… Bạn có thể chọn đối tượng mà bạn cần thêm vào và ấn nút Add to Menu để thêm nó vào menu.
Sau khi bạn đã thêm đầy đủ các liên kết vào menu như mong muốn, bạn có thể chọn Menu Location cần áp dụng cho Menu đang mở này ở phần Menu Settings phía dưới và ấn Save MenuBạn cũng có thể kéo và thả các liên kết trong menu để hoán đổi vị trí cho nhau. Hoặc tạo ra các menu con bằng cách kéo thả liên kết trong menu cho nó nằm thụt vào một liên kết nào đó mà bạn muốn nó trở thành menu cha.
Editor
Editor trong WordPress giúp bạn thay đổi lại mã nguồn của giao diện theo nhu cầu.
Tại Appearance/giao diện → Editor/sửa giao diện → Select theme to edit/chọn giao diện chỉnh sửa → Select/chọn.
Sau khi chọn thành công, bạn sẽ thấy phần Templates phía cột bên phải sẽ xuất hiện các Themss của giao diện bạn chọn ở trên. Bạn nhấp chuột vào Themes cần chỉnh sửa → Update File để lưu lại thay đổi.
Plugins
Mục đích chính của Plugins trong WordPress là mở rộng chức năng cho website. Chỉ bằng cách cài đặt và kích hoạt plugin, bạn có thể thêm các tính năng mới vào trang web mà không cần biết lập trình. Có hàng ngàn plugin miễn phí và tính phí được xây dựng cho các mục đích khác nhau: Từ chia sẻ truyền thông xã hội sang bảo mật,… . Vì vậy, bạn chắc chắn sẽ tìm thấy một plugin phù hợp với nhu cầu của bạn.
Cài đặt WordPress Plugins là một công việc dễ dàng ngay cả đối với người mới bắt đầu. Các Plugins miễn phí có trên thư mục Plugins của WordPress.org. Cũng giống như các giao diện, chúng có thể được cài đặt bằng cách sử dụng trình cài đặt WordPress sẵn có.
Để cài đặt Plugins WordPress, hãy nhấn nút Add New/cài mới nằm phía trên cao trong ảnh bên trên và nhập tên của plugin mà bạn muốn cài đặt vào ô tìm kiếm. Chọn plugin bạn cần và nhấn Install để cài, nhấn Activate để kích hoạt và sử dụng.
Có rất nhiều plugins cao cấp (trả phí) không thể cài đặt tự động từ trang chủ của WordPress.Org, nếu bạn đã mua plugins cao cấp này thì bạn cần phải cài đặt thủ công nó bằng cách tải lên website WordPress của mình. Qui trình cài đặt cũng tương tự, bạn bấm chọn Add New tại mục Plugins, bấm tiếp Upload Plugins, chọn file cài đặt từ máy tính của bạn để tải lên và cài đặt.
Các Plugins cần thiết thiết cho WordPress:
Có rất nhiều plugin cho WordPress, sẽ rất khó để có thể chọn đúng cái mà bạn thực sự cần. Trên thực tế, có rất nhiều plugin hỗ trợ cho cùng một mục đích, ví dụ như có hàng chục plugin WordPress Caching. Đó là lý do tại sao chúng tôi quyết định liệt kê các plugin WordPress tốt nhất cần thiết cho mỗi trang WordPress
- Ranth Math: Có lẽ là plugin SEO phổ biến nhất cho WordPress. Nó sẽ giúp bạn tối ưu hóa công cụ tìm kiếm. Từ thẻ meta đến các đề xuất.
- Wordfence Security: Plugin này sẽ giúp WordPress an toàn khỏi hacker và phần mềm độc hại. Nó có tường lửa và các module quét phần mềm độc hại được rất hữu ích.
- Contact Form 7: Đơn giản nhưng rất mạnh mẽ giúp bạn tạo bất kỳ form liên lạc từ đơn giản tới phức tạp.
Lưu ý: Chúng tôi không khuyên bạn cài thật nhiều Plugins vào WordPress vì nó có thể làm giảm hiệu năng website của chính bạn, hãy cài những plugins thật sự thiết yếu và xóa đi những cái không cần thiết.
Users: Quản lý tài khoản
Để tạo thêm người dùng, bạn truy cập vào Dashboard → Users → Add New, ở đây bạn sẽ cần khai báo các thông tin cho người dùng mới. Các thông tin có chữ required là bắt buộc khai báo
Khi tạo user, bạn có thể phân quyền cho từng user đó tại Role:
- Administrator: Nhóm người dùng có quyền sử dụng toàn bộ các tính năng có trong một website WordPress, không bao gồm các website khác trong mạng website nội bộ.
- Editor: Nhóm này có quyền đăng bài viết lên website (publish) và quản lý các post khác của những người dùng khác.
- Author: Nhóm này sẽ có quyền đăng bài lên website và quản lý các post của họ.
- Contributor: Nhóm này sẽ có quyền viết bài mới nhưng không được phép đăng lên mà chỉ có thể gửi để xét duyệt (Save as Review) và quản lý post của họ.
- Subscriber: Người dùng trong nhóm này chỉ có thể quản lý thông tin cá nhân của họ.
Bạn có thể thay đổi Email, Password quản trị WordPress trong Your Profile.
Để xóa User người dùng, bạn truy cập vào Dashboard → Users/thành viên → All User/tất cả người dùng, tại đây bạn sẽ thấy danh sách các User.
Tiếp theo, di chuyển con trỏ chuột lên tới Tên User cần xóa và bấm chọn Delete, website sẽ chuyển hướng sang trang xác nhận thao tác → nhấn Confirm Deletion để hoàn tất xóa User.
Lưu ý: Có 2 tùy chọn trước khi xác nhận Xóa User mà bạn cần phải kiểm tra.
- Delete all content: Xóa tất cả các nội dung từ User này đăng tải trên website.
- Attribute all content to: Chuyển tồn bộ nội dung được đăng tải của User bị xóa tới User đang tồn tại (Chúng tôi khuyến khích các bạn lựa chọn phương án này để bảo tồn dữ liệu website).
Tools: Công cụ
Available Tools: Các công cụ có sẵn
Tính năng này chứa ứng dụng Press This giúp bạn cắt những nội dung (đoạn văn bản, video, hình ảnh) từ các trang web khác. Tiếp đến, bạn chỉnh sửa và thêm trực tiếp các nội dung đó. Lựa chọn lưu lại và đăng bài trên Website của bạn.
Import: Cài đặt nhập dữ liệu
Nhập nội dung (bài viết, bình luận) từ các hệ thống website khác tới Website WordPress một cách tự động.
- Blogger: Công cụ này giúp bạn đẩy nội dung (các chuyên mục, các bài viết, các hình ảnh và bình luận) từ trang Blogspot của bạn tới Website WordPress này.
- Tương tự, Bạn có thể đẩy các bài viết (Posts) từ tài khoản LiveJournal, RSS của bạn tới Website WordPress này. Bạn cũng có thể đẩy các bài viết và các bình luận từ tài khoản Movable Type, TypePad. Nếu bạn có một tài khoản trên Tumblr, bạn có thể đẩy các bài viết và các tệp tin đa phương tiện được đăng trên tài khoản Tumblr tới Website WordPress.
- Categories and Tags Converter: Công cụ giúp bạn chuyển đổi các chuyên mục (Categories) thành các thẻ Tags và ngược lại.
- WordPress: Bạn có 2 Website WordPress, trong đó 1 Website mới và 1 Website cũ. Bạn muốn đẩy các nội dung (bài viết, bình luận, chuyên mục, thẻ Tags) từ Website cũ sang Website mới, bạn cần sử dụng công cụ WordPress này.
Export: Cài đặt xuất dữ liệu
WordPress lưu lại các bài viết, các trang, bình luận, các chuyên mục (Categories) và thẻ Tags vào một tệp tin định dạng XML (được gọi là WordPress extended RSS hay là định dạng WXR).
- All Contents: Xuất toàn bộ nội dung liên quan tới Posts và Pages, Menus, Custom field và Custom post type.
- Posts: Xuất toàn bộ nội dung liên quan tới Posts.
- Pages: Xuất toàn bộ nội dung liên quan tới Pages.
- Media: Xuất toàn bộ nội dung liên quan tới Media.
Chọn loại nội dung xong bạn có thể ấn vào nút Download Export File, nó sẽ tải về máy một tập tin có định dạng .xml chứa dữ liệu mà bạn xuất ra. Tập tin này có lớn hay không tùy thuộc bạn có nhiều nội dung hay không.
Settings: Cài đặt
General: Cài đặt tổng quan
Khu vực này là nơi chứa các thiết lập quan trọng về cấu hình website của bạn.Trong phần Settings/cài đặt → General/cài đặt chung chúng ta có các thiết lập sau:
- Site Title/Tên website: Tên của website, tên này sẽ hiển thị mặc định trên tiêu đề website.
- Tagline/Khẩu hiệu: Mô tả – slogan của website.
- WordPress Address (URL)/Địa chỉ WordPress (URL): Địa chỉ của website WordPress hiện tại của bạn. Địa chỉ này sẽ tác động đến đường dẫn của Post và Page trên website.
- Site Address (URL)/Địa chỉ trang web (URL): Địa chỉ của website trang chủ của bạn, nếu bạn cài website WordPress làm trang chủ thì nên để giống với WordPress Address.
- E-mail Address/Địa chỉ email quản trị: Địa chỉ email của người quản trị website, các thông báo quan trọng về website sẽ gửi về đây.
- Membership/Thành viên: Nếu đánh dấu vào mục Anyone can register, khách có thể tự đăng ký tài khoản người dùng trên website của bạn
- New User Default Role/Vai trò của thành viên mới: Nhóm người dùng mà những người dùng mới đăng ký sẽ được đưa vào mặc định sau khi họ đăng ký xong.
- Timezone/Múi giờ: Múi giờ mà bạn muốn sử dụng trên website, Việt Nam là GMT + 7.
- Date Format/Định dạng ngày tháng: Định dạng ngày tháng năm bạn muốn hiển thị trên website.
- Week Start On: Ngày mà bạn muốn nó là ngày đầu tiên của tuần.
- Site Language/Ngôn ngữ của trang: Ngôn ngữ mà bạn muốn dùng trên website, hiện tại chưa có tiếng Việt trong đây.
Đó là các thiết lập trong phần này, hãy đọc kỹ giải thích và thiết lập phù hợp với mình nhé.
Writing: Cài đặt soạn thảo
Các thiết lập trong phần này sẽ tác động trực tiếp đến quy trình soạn và đăng nội dung của bạn trên website.
- Default Post Category: Category mặc định của một bài Post nếu bạn quên chọn category khi đăng.
- Default Post Format: Loại định dạng post mặc định khi đăng nếu bạn quên chọn.
- Post via e-mail: Tính năng đăng bài thông qua e-mail.
- Update Service: Các dịch vụ ping mà bạn muốn WordPress tự động gửi tín hiệu ping khi có bài mới.
Reading: Cài đặt xem trang
Tác động tới việc hiển thị nội dung trên website.
- Your homepage displays: hiển thị tại giao diện trang chủ.
- Blog pages show at most: Số lượng post hiển thị ra trang blog. Hiện tại bạn cứ hiểu trang blog nghĩa là một trang hiển thị danh sách các post mới nhất trên website.
- Syndication feeds show the most recent: Số lượng post mới được hiển thị tại trang RSS Feed của website (http://domain/feed).
- For each article in a feed, show: Full text là hiển thị nội dung trên RSS Feed với toàn nội dung. Summary là hiển thị nội dung trên RSS Feed với bản rút gọn.
- Search Engine Visibility: Nếu bạn đánh dấu vào phần này, nghĩa là các bot của các cỗ máy tìm kiếm (Google chẳng hạn) không thể đánh chỉ mục nội dung của bạn, từ đó website của bạn
Dicussion: Cài đặt bình luận
Tác động đến tính năng bình luận (comments) trên website WordPress của bạn.
- Default article settings: Thiết lập trong đây sẽ liên quan đến việc bật tính năng liên quan tới bình luận ở dạng mặc định. Các thiết lập này có thể được sửa lại ở từng bài post/page.
- Other comment settings: Các thiết lập khác liên quan tới việc gửi bình luận.
- E-mail me whenever: Thiết lập nhận e-mail thông báo về bình luận.
- Before a comment appears: Áp dụng trước khi bình luận được hiển thị lên.
- Comment moderation: Tự động đưa bình luận vào trạng thái chờ duyệt nếu bình luận đó chứa từ khóa, liên kết, email hoặc địa chỉ IP có trong danh sách này. Mỗi quy tắc chặn đều phải được đặt ở một dòng riêng. Ví dụ nếu bạn viết “Thạch xấu trai” vào khung của phần này thì các bình luận có chữ “Thạch xấu trai” sẽ bị đưa về trạng thái chờ duyệt chứ không hiển thị ngay. Áp dụng cho tên người gửi, email, địa chỉ IP và nội dung bình luận.
- Comment Blacklist: Các từ cấm bình luận. Mỗi từ cấm sẽ được khai báo bằng một dòng. Nếu bình luận nào đó chứa từ cấm thì sẽ bị đánh dấu là Spam.
Avatars: Tùy chọn hiển thị ảnh avatar của người gửi bình luận.
Media: Cài đặt Media
Các thiết lập này sẽ ảnh hưởng đến chức năng upload tập tin media (hình ảnh/video/nhạc,..) lên nội dung.
- Image sizes: Các thiết lập trong này sẽ xác định kích thước ảnh mặc định của WordPress được sinh ra sau khi upload một tấm ảnh lên thư viện.
- Uploading Files: Thiết lập liên quan tới việc upload tập tin.
- Organize my uploads into month- and year-based folder: Tự động đưa các tập tin được upload lên vào thư mục với cấu trúc ngày tháng so với thời gian upload.
Permalink Settings: Cài đặt đường dẫn tĩnh
Đây là nơi mà bạn sẽ bật tính năng đường dẫn tĩnh cho toàn bộ website thay vì sử dụng cấu trúc đường dẫn động. Đường dẫn tĩnh nghĩa là địa chỉ Posts, Pages, Categorys, Tags,…của bạn sẽ được biểu diễn bằng tên cụ thể chứ không phải dạng số.
Common Settings/cài đặt cơ bản: Các thiết lập thông dụng.
- Default: Cấu trúc đường dẫn mặc định (đường dẫn động).
- Day and name: cấu trúc đường dẫn với kiểu hiển thị đầy đủ ngày tháng đăng post và tên post.
- Month and name: cấu trúc đường dẫn với kiểu hiển thị tháng, năm và tên post.
- Numeric: Cấu trúc đường dẫn hiển thị ID của post thay vì tên.
- Post name: Chỉ hiển thị tên post trên đường dẫn
- Custom Structure: Tùy chỉnh cấu trúc đường dẫn tùy ý, xem thêm phần cuối bài viết.
Optional (Các thiết lập tùy chọn không bắt buộc):
- Category base: Tên đường dẫn chacủa các đường dẫn tới trang category. Mặc định nó sẽ là domain/category/ten-category/, nếu bạn điền “danh-muc” vào đây thì nó sẽ hiển thị là domain/danh-muc/ten-category.
- Tag base: Tên đường dẫn mẹ của đường dẫn tới các trang tag. Mặc định nó sẽ là http://domain/tag/tên-tag/, nếu bạn điền “the” vào đây thì nó sẽ hiển thị là http://domain/the/tên-tag.
Vậy chúng ta đã tìm hiểu xong tất cả các thành phần trong 1 website WordPress. Hi vọng bài viết Hướng dẫn sử dụng WordPress từ A-Z này sẽ hữu ích với các bạn và các khách hàng thân yêu của Phong Mỹ Design.
Thông tin liên hệ, hỗ trợ trực tuyến - PHONG MỸ DESIGN
CÔNG TY TNHH TMDV PHONG MỸ
Hotline / Zalo: 0973.01.02.58 - 0987.34.52.58
Email: info@phongmy.vn
Website: www.phongmy.vn
Địa chỉ: 160/10A Đ.ấp Thới Tây 2, ấp Thới Tây 2, Xã Tân Hiệp,H.Hóc Môn, TP.HCM
MST: 0316093547